Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2011

HỌC ĂN - HỌC NÓI

Nghe nói, mới đây có một đoàn doanh nhân là lãnh đạo các công ty lớn trong nước, “đeo cặp” sang Mỹ theo học một khóa về nâng cao năng lực lãnh đạo doanh nghiệp thời toàn cầu hóa.
Hoc an hoc noi
- Chắc họ phải xách theo va li sách vở ấy nhỉ?

- Hầu hết họ đã qua chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh, nhiều người từng đi học nước ngoài hoặc hoàn thành các khóa đào tạo giám đốc điều hành.

- Bằng cấp, kiến thức đầy mình như thế, học nữa làm gì cho mệt. Chắc hẳn “du” là chính, học là phụ, đi tham quan cho biết nước Mỹ.

- Ông nhầm to rồi. Khóa học này sử dụng phương pháp nghiên cứu tình huống, là mô hình của trường đại học Harvard nổi tiếng, toàn đào tạo ra những nhân vật nổi tiếng thế giới.

- Harvard thì cả thế giới đều bái phục. Thế họ dạy người ta học ra sao mà mình không “học lỏm” về áp dụng ở các trường đại học nước ta?

- Họ dựa trên quan điểm quản lý là một kỹ năng mà mỗi con người phải tự rèn luyện, thực hành chứ không phải thụ động nghe giảng, cắm đầu ghi chép, nhồi nhét, học vẹt. Nói nôm na cũng như học bơi, học võ, học đàn ngày nào cũng phải thực hành, tập luyện đến khi thuần thục.

- Học thế thì đúng là học cả đời, cả nước, tất cả mọi người đều phải học. Ở trường không chỉ trưng khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” mà phải học tình yêu thương, phân biệt phải trái, tốt xấu, nhất là khi ra ngoài xã hội.

- Học trở thành người tử tế là khó nhất. Bằng cấp, trình độ, học vấn, kiến thức là quan trọng nhưng chưa đủ, cốt lõi là đầu óc nhận thức thường xuyên rèn luyện. Tôi thấy nhiều nơi trưng khẩu hiệu “Lễ phép với dân…”, thế mà thái độ lạnh tanh, xách mé cứ như “ban phát” cho dân.

- Nói đi thì phải nói lại. Cán bộ, công chức phải học cách phục vụ tận tình người dân, nhưng dân cũng phải học cách tôn trọng pháp luật, kỷ cương phép nước. Học nhiều nhất là đối nhân xử thế, tôn trọng người khác tức là tôn trọng mình, nhất là nơi công cộng.

- Dân ta có câu: “Học ăn, học nói. Học gói, học mở” là gì. “Học ăn, học nói” không chỉ trẻ con mà cả người lớn chúng ta.

- Đúng quá rồi, nhưng cái vế “Học gói, học mở” đừng hiểu chệch là “gói quà, mở quà” hối lộ đấy nhé! Học cái xấu bao giờ cũng dễ và nhanh hơn cái tốt.
  Theo: ANTĐ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét